Những dấu hiệu nhận biết lỗi động cơ ô tô phổ biến và cách xử lý.
1. Dấu hiệu nhận biết lỗi động cơ ô tô – Tiếng động bất thường phát ra từ động cơ
Một số âm thanh bất thường phát ra từ động cơ ô tô bao gồm:
– Tiếng rít rít đều và nhanh khi mới khởi động động cơ chính là do dây curoa bị chai hoặc chùng gây ra. Nếu âm thanh lịm đi sau vài phút nổ máy thì tình trạng này mới ở mức nhẹ, còn nếu kéo dài ngay cả khi động cơ đã nóng thì báo hiệu cần thay dây curoa mới.
– Tiếng cộc cộc khô khốc là do xe lâu ngày không sử dụng khiến dầu nhớt chưa kịp lưu thông khắp các chi tiết máy, từ đó gây ra tiếng kêu. Nếu âm thanh trên mất đi sau 3 phút thì không cần lo ngại, tuy nhiên nếu tiếng động kéo dài kể cả khi máy đã nóng thì tức là động cơ ô tô gặp vấn đề nghiêm trọng.
– Tiếng ào ào lớn dần là dấu hiệu động cơ thiếu dầu bôi trơn, khiến các chi tiết máy ma sát khó khăn và phát ra tiếng kêu. Hoặc có khả năng do bơm nhớt ô tô bị hỏng làm ảnh hưởng quá trình bôi trơn động cơ.
Những âm thanh bất thường này nếu không được chủ xe kiểm tra và khắc phục sớm, về lâu dài có thể dẫn tới lỗi động cơ nghiêm trọng hơn.
2. Tiếng nổ máy chập chờn, không ổn định
Nếu xe đang hoạt động bình thường đột nhiên thấy tiếng máy nổ không đều, động cơ bị rung lắc hoặc không ổn định, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo lỗi động cơ ô tô. Lời khuyên là hãy lắng nghe những âm thanh đó và “chẩn bệnh” theo các tiêu chí: mức độ rung của động cơ mạnh hay nhẹ; tiếng nổ có ổn định và êm không, nếu lên ga đột ngột thì động cơ vút đều hay lịm đi.
Có rất nhiều lý do dẫn đến hiện tượng trên, nhưng chủ yếu là do một số nguyên nhân như: bẩn lọc gió, bẩn lọc xăng, thừa hoặc thiếu xăng ở động cơ ô tô, ống xăng bị rò rỉ hoặc hư bơm xăng làm xăng không đủ áp, bugi có vấn đề…
Lời khuyên cho chủ xe là thử các biện pháp như: thay thế bugi, thay thế cuộn dây đánh lửa ô tô, kiểm tra áp suất nhiên liệu, vệ sinh đồng hồ đo lưu lượng gió…
3. Đầu xe rung lắc khi di chuyển
Cảm giác xe rung lắc không có lý do rõ ràng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề bất thường nào đó. Khi xảy ra hiện tượng rung lắc ở đầu xe, người điều khiển cần chú ý các vấn đề sau:
– Nếu các rung động diễn ra đều và không đứt quãng, ngay cả khi chạy không tải thì có thể do các yếu tố gắn kết khung xe với động cơ. Phương án xử lý là kiểm tra lại các chân máy gắn kết động cơ, nếu bộ phận giảm chấn như cao su liên kết bị nứt, vỡ, có nghĩa là đã đến lúc cần thay mới những bộ phận này.
– Nếu các rung động diễn ra theo từng nhịp, không đều, có thể là do một hoặc nhiều xi lanh không hoạt động khiến máy hụt công suất (máy yếu). Với tình trạng này cần kiểm tra các bộ phận thuộc hệ thống đánh lửa như bugi, bô bin đánh lửa và dây cao áp.
4. Xe tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn mọi khi
Có nhiều nguyên nhân khiến động cơ tiêu hao nhiên liệu hơn bình thường như: lốp xe mòn, đặc điểm cung đường di chuyển, tải trọng chở trên xe, thói quen dùng chân phanh và đạp ga… Nếu loại trừ những nguyên nhân này, mức tiêu thụ nhiên liệu tăng bất thường còn có thể là dấu hiệu cảnh báo lỗi động cơ ô tô, nhất là bộ phận xử lý nhiên liệu.
Lời khuyên là nên bảo dưỡng xe định kỳ để “tút tát” lại phần xử lý nhiên liệu của động cơ. Các công việc cần làm bao gồm: thay bơm xăng, thay lọc xăng, kiểm tra hệ thống kim phun bị rò rỉ, vệ sinh bộ phận lọc gió động cơ và một số bộ phận khác…
5. Động cơ giảm công suất khi xe chạy nhanh hoặc lên dốc
Việc xe giảm công suất sau một thời gian hoạt động là tình trạng mà không ít chủ xe gặp phải. Hiện tượng này thể hiện rõ nhất khi xe phải chạy nhanh hoặc lên dốc.
Một số nguyên nhân khiến động cơ giảm công suất có thể kể đến: bẩn lọc gió, tắc nghẽn lọc xăng, các xéc măng không đảm bảo độ kín, tắc ống xả, mòn điện cực bugi, mòn bơm xăng hoặc rò rỉ bộ điều chỉnh áp suất…
Nhìn chung, tất cả các nguyên nhân khiến công suất hoạt động của động cơ suy giảm đều xuất phát từ lý do không vệ sinh, bảo dưỡng khoang máy động cơ định kỳ.
6. Đèn Check Engine báo sáng
Nếu đèn Check Engine (đèn cảnh báo động cơ) trên bảng điều khiển taplo liên tục báo sáng, đó là dấu hiệu cảnh báo một số trục trặc đang xảy ra ở động cơ ô tô. Ví dụ như:
– Cảm biến oxy (Oxygen Sensor) cần được thay thế.
– Cảm biến đo khối lượng khí nạp (MAF) cần được thay thế.
– Bộ lọc khí thải bị hỏng và cần thay thế.
– Bugi bị hỏng hoặc mòn (gây cháy động cơ).
– Nhiều vấn đề liên quan đến cảm biến và thiết bị truyền động khác.
Một khi đèn cảnh báo động cơ báo sáng, chủ xe không nên lơ là bỏ qua vì nếu để tình trạng này kéo dài có thể gây lỗi động cơ nghiêm trọng và ảnh hưởng đến các bộ phận khác.
7. Đèn báo dầu động cơ sáng
Khi thấy đèn báo áp suất dầu bôi trơn động cơ với biểu tượng hình bình dầu phát sáng trên bảng taplo, người lái nên dừng xe ngay lập tức. Điều này có nghĩa tại thời điểm đó lượng dầu bôi trơn trong động cơ đang rất thấp, không thể bôi trơn các bộ phận, hoặc lý do thứ 2 là do hỏng bơm dầu. Dù là nguyên nhân nào gây thiếu dầu thì cũng rất nguy hiểm vì có thể khiến các chi tiết máy (tay biên, piston, xi lanh, trục khuỷu…) cào mòn lẫn nhau, gây xước xát, hao mòn và nóng máy.
Dầu bôi trơn không đủ có thể dẫn đến hư hỏng toàn bộ động cơ, chi phí sửa chữa vô cùng tốn kém. Lời khuyên là cần tiến hành kiểm tra lượng dầu bôi trơn trong động cơ bằng que thăm dầu hoặc các biện pháp khác.
8. Kim đồng hồ đo nhiệt tăng dần lên mức đỉnh
Hiện nay tất cả các dòng xe dù cũ hay mới đều được trang bị đồng hồ đo nhiệt độ hoặc đèn báo nhiệt độ. Bình thường kim đồng hồ sẽ ở vạch xuất phát và dần tăng lên khi khởi động máy và di chuyển. Tuy nhiên nếu trong quá trình hoạt động, kim đo nhiệt dần lên đỉnh đồng nghĩa động cơ đang hoạt động không đúng. Một số lỗi động cơ gây ra hiện tượng này có thể kể đến: thủng két làm mát, tắc ống dẫn nước, quạt tản nhiệt không chạy… khiến nhiệt độ nước làm mát bên trong quá nóng.
9. Bugi có màu đen hoặc màu trắng
Bugi là bộ phận cuối cùng của hệ thống đánh lửa tiếp xúc trực tiếp với buồng đốt ở xe ô tô chạy xăng. Bugi thường được dùng để tạo ra tia lửa điện giữa 2 cực để đốt cháy hỗn hợp khí và nhiên liệu dưới áp suất cao.
Thông qua quan sát bugi có thể đánh giá được chất lượng hoạt động của động cơ ô tô. Nếu đầu bugi có màu nâu vàng (hoặc đỏ gạch) tức hệ thống đánh lửa hoạt động hiệu quả, chức năng động cơ hoàn toàn bình thường..
Tuy nhiên nếu bugi có màu đen khô hoặc đen ướt có nghĩa xăng phun vào buồng đốt đang có vấn đề. Tình trạng này có thể do các nguyên nhân như lọc gió bị nghẽn, bẩn, ruột dây bugi hết hạn sử dụng, mòn piston, hỏng chế hòa khí, lọt dầu vào xi lanh…
Bên cạnh đó, bugi có màu trắng là dấu hiệu động cơ hoạt động quá nhiệt. Nguyên nhân có thể do lựa chọn bugi chưa phù hợp, thời gian động cơ đánh lửa chưa tối ưu, hệ thống làm mát ở động cơ gặp vấn đề, bị thiếu nhiên liệu…
10. Phanh động cơ hoạt động không hiệu quả
Phanh bằng động cơ là hành động sử dụng động cơ để giảm tốc độ xe thay vì sử dụng hệ thống phanh như thông thường. Đây là cách nhiều tài xế thực hiện khi khi điều khiển xe xuống dốc, đổ đèo.
Phanh bằng động cơ chủ yếu nhờ lực tự hãm của động cơ (sinh ra từ áp suất nén trong xi lanh). Tuy nhiên nếu khi áp dụng kỹ thuật này mà hiệu quả hãm động cơ suy giảm rõ rệt, không như ý tức là động cơ có thể đã gặp vấn đề, cần đưa xe đi kiểm tra.
11. Xuất hiện mùi khí thải khó chịu trong xe
Thông thường nếu bộ chế hòa khí hay bộ chuyển đổi khí thải của ô tô gặp trục trặc, sẽ khiến xe có mùi xăng hay một số mùi khó chịu khác.
– Mùi dầu cháy: nếu động cơ đốt dầu cháy (do rò rỉ trực tiếp từ buồng đốt) sẽ khiến xe có mùi rất khó chịu hoặc khói thoát ra nhiều từ ống xả.
– Mùi trứng thối (H2S): thường xuất phát từ bộ chuyển đổi khí thải xe ô tô bị trục trặc. Khi ấy, khí lưu huỳnh sẽ bị tràn vào xăng và tạo ra khí H2S có mùi trứng thối vô cùng độc hại.
– Mùi từ động cơ xăng: Nếu ống xả của xe có mùi xăng sống, rất có thể bộ chế hòa khí gặp vấn đề và vào bộ chế hòa sẽ nhiều hơn lượng oxy tiêu chuẩn. Từ đó trong khí thải của xe ô tô sẽ có mùi xăng đọng lại do quá trình đốt không được tối ưu.
– Mùi nóng và ngọt: Khi gặp trường hợp này thì khả năng cao là xe đã mắc lỗi động cơ. Cụ thể hệ thống làm mát động cơ đã bị rò rỉ khiến chất chống đông phun thẳng vào động cơ đang nóng, từ đó tạo ra mùi khó chịu đặc trưng của chất chống đông.
– Mùi động cơ diesel: Do việc đốt động cơ diesel cũng như công suất động cơ của xe sử dụng nhiên liệu diesel thường cao hơn so với xe chạy xăng, nên chủ xe sẽ cảm nhận được mùi diesel nồng nặc hơn so với khi chạy xe bằng nhiên liệu xăng thông thường.
Nhìn chung, khi nhận thấy bất kỳ mùi lạ khó chịu nào phát ra, chủ sở hữu nên mang xe ra trung tâm bảo dưỡng uy tín để được đánh giá thành phần khí thải một cách chính xác nhất bằng các trang thiết bị chuyên dụng.
12. Xe nhả khói khác màu thông thường
Nhiều người hay hiểu nhầm rằng một khi động cơ ô tô khởi động, xe xả khói là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, khi lượng khói dày đặc kèm theo màu và mùi lạ thì chủ xe cần hết sức lưu ý. Dựa trên màu sắc của khói cũng có thể phán đoán được một số vấn đề:
– Khi xe nhả khói xanh tức ngầm chỉ động cơ đang đốt lẫn dầu bôi trơn và có thể có tiềm ẩn rò rỉ ở đâu đó trong động cơ xe. Tình trạng này nếu không khắc phục sẽ dẫn đến hao dầu, hư hại các bộ phận động cơ
– Khi xe nhả khói trắng và dày báo hiệu gần như chắc chắn hiện tượng trục trặc gioăng nắp quy lát của động cơ. Khi thấy dấu hiệu này chủ xe nên nhanh chóng đưa xe đi sửa chữa để tránh quy lát của động cơ hư hại hoàn toàn. Ngoài ra ống xả phụt khói trắng cũng chứng tỏ dầu hộp số ô tô đang bị đốt cháy, nguy cơ dẫn đến tình trạng kẹt lẫy chuyển số.
– Khi xe nhả khói đen, mức độ nguy hiểm sẽ cao hơn bởi tình trạng này thường xảy ra khi động cơ đốt không hết nhiên liệu đầu vào. Hiện tượng này có thể do một số nguyên nhân như: lọc gió bẩn gây nghẹt, hỏng bộ chế hòa khí, kẹt cánh bướm gió, bugi đánh lửa yếu nên không đốt cháy hết hòa khí.
12 dấu hiệu nhận biết lỗi động cơ ô tô kể trên có thể giúp người lái sớm nhận diện và chẩn đoán được các kiểu lỗi động cơ ô tô thường gặp để từ đó có hướng xử lý kịp thời. Ngoài ra nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu này, chủ phương tiện nên đưa xe đến bảo dưỡng tại garage Đình Thái để kịp thời khắc phục các trường hợp lỗi động cơ ô tô.
Hotline: 034 892 6879
Địa chỉ: 02 Cách Mạng Tháng Tám – P8 – Đà Lạt.